Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013



    Bún bò Huế mụ Rớt

    Tác giả: Trung kim

    59258321_b43cbd43c9_o.jpg 

    Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chưa kịp tay bắt mặt mừng sau bao năm xa cách quê hương, câu đầu tiên khi cô thấy tôi là: “O về ăn bún bò Huế!”.

    Cô tôi qua Mỹ năm 1975 đến năm 1995 thì có về thăm Huế. Nhưng khi trở lại Mỹ, cô gọi điện cho tôi và nói: “Bún bò Huế bữa ni không giống bún bò Huế năm xưa nữa!” “Không giống năm xưa nữa e mụ Rớt vào Sài Gòn rồi. Con thấy ở Sài Gòn có mở tiệm bán bún bò Huế mang tên mụ Rớt. Khi nào O về VN, con dẫn O đi ăn bún bò Huế ở Sài Gòn!”. Cô tôi reo lên mừng rỡ. Thật ra thì tôi nói cho cô vui chứ không biết chính xác là mụ Rớt có phải vào ở Sài Gòn rồi hay không và cũng không biết mụ Rớt có còn sống hay không nữa. Nhưng tôi đã thấy ở đâu đó trên đường phố Sài Gòn có treo biển Bún Bò Huế Mụ Rớt. Tôi có đi ăn bún bò Huế ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ở đường Bùi Thị Xuân, ở gần chợ Tân Định hoặc Tân Bình. Một vài nơi cũng được nhiều người nhớ đến nhưng không hiểu sao tự nhiên dẹp tiệm. Như tiệm bún bò Huế ở đường Bùi Thị Xuân chẳng hạn. Chắc là nhường chỗ cho chợ vi tính chăng? Bún bò Huế ở Sài Gòn cũng không thua chi bún bò Huế ở Huế. Phần nhiều là do người Huế nấu. Nhưng để nhận ra bún bò Huế giống như xưa thì tôi chịu.

    Trong những năm của thập niên 1970, mỗi buổi sáng, gia đình tôi thường canh chừng mụ Rớt gánh bún bò Huế đi ngang qua là gọi vào. Mụ Rớt mặc áo dài, gánh một đầu là cái nồi thiết, hình bầu, có đường kính khoảng 40 -50 cm, chứa nước dùng (lèo). Phía dưới nồi có mấy thanh củi đang ngún cháy. Một đầu là cái mẹt đặt trên cái thúng rồi xếp tô, đũa, và những dụng cụ đựng ớt, chanh, nước mắm…Mụ Rớt đặt gánh bún trước thềm nhà tôi rồi mở nắp nồi nước dùng ra. Hương vị từ nồi nước dùng hòa lẫn với khói củi phía dưới nồi tỏa lên một mùi vị đặc trưng khó tả. Chẳng biết mụ Rớt dùng củi gì mà khói củi tỏa lên không làm cay mắt ai. Hay là mụ đun một hai thanh củi thôi và chỉ để lửa liu riu nên ít khói chăng? Gia đình tôi là khách ruột của mụ Rớt nên mụ biết rõ tính nết của mỗi người. Thế nên khi mụ vừa đặt gánh bún xuống là làm liền cho mỗi người một tô mà chẳng cần phải hỏi han gì. Mụ gắp những nùi bún trăng trắng cỡ bằng nửa chiếc đũa bỏ vào tô, thêm một nhúm rau sống mà hồi đó chúng tôi gọi là rau và – rau sống của mụ Rớt đơn giản chỉ là bắp chuối cắt ra mà thôi chứ không trộn chung các thứ rau khác như sà lách, giá sống…như sau này chúng tôi ăn ở Sài Gòn. Xong, mụ lấy cái vá khỏa khỏa màng màu mỡ trên mặt nước dùng rồi bất ngờ vục cái vá xuống một cái và múc lên một miếng giò heo đúng y như ý thích của mỗi người trong gia đình tôi. Kế tiếp, mụ lại khỏa khỏa cái vá lần nữa rồi vục xuống múc lên một miếng huyết hình khối khoảng chừng hơn hai ngón tay. Những miếng thịt bò mỏng cũng được mụ múc nhanh gọn như thế. Chúng tôi chưa ăn mà đã thấy ngon khi vừa chú mục theo động tác của mụ Rớt vờn miếng thịt vừa nghe cái mùi vị bún bò Huế tỏa lên. Đặc biệt, ăn bún mụ Rớt chỉ cần một cái tô mà lúc bấy giờ người Huế gọi là cái đọi và một đôi đũa tre thôi. Vì chỉ có một cái tô và một đôi đũa thôi nên chúng tôi phải bưng tô bún vừa và vừa húp. Ngẫm lại thấy cũng có lý, con bún vừa dai dài vừa tròn trơn thì múc muỗng là tuồn tuột hết. Chỉ cần kê tô vào miệng là không có một con bún nào rơi rớt. Chúng tôi rất thích tính hào phóng của ba tôi. Thường thì ông phán: “Ai muốn ăn bao nhiêu tô thì ăn!”. Thế là chúng tôi ăn thoải mái. Mà ăn nhiều nhất chính là cô tôi, hai tô. Còn chúng tôi ráng lắm là một tô rưỡi. Mụ Rớt không ra giá nhất định một tô là bao nhiêu. Ăn bao nhiêu, mụ bán bấy nhiêu. Nhưng một tô bún đúng giá chuẩn mà mụ Rớt định ra thì có đủ thịt bò, giò heo, huyết…


    Chỉ nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau, cô tôi đã biểu dẫn đi ăn bún bò Huế. Quán bún bò Huế mà tôi và cô tôi đến trước tiên là ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là một tiệm chuyên bán những món ăn Huế nên thực đơn toàn là những món ăn Huế như bánh Bột Lọc, bánh Nậm, bánh Ít, bánh Bèo…Chủ quán cũng nói giọng Huế. Nhưng khi tô bún vừa mang đến thì cô tôi đã lắc đầu nguầy nguậy: “Bún bò Huế chi mà lạ rứa!” “O chưa ăn thì răng mà biết được!” “Bún bò Huế làm chi có hai miếng chả lụa như rứa!”. Cứ mặc cho cô tôi khen chê thế nào tôi cứ ăn và thấy cũng ngon lắm. Có gì khác đâu? Chất lượng và hình thức tô bún còn đầy đủ hơn nữa đó chứ! Một tô bún và một miếng giò heo to gấp đôi tô bún mụ Rớt. Rồi còn chất vào đó nào thịt bò, chả lụa, huyết…Rau sống thì đủ loại. Còn gia vị thì tương đỏ, tương đen, ớt chua, ớt mặn, tỏi tươi, tỏi dấm, hành thái lát, hành ngâm dấm đường. Có cả nước mắm ngọt, nước mắm tôm chua, ruốc Huế, ruốc mắm nêm…Ăn bún thì khỏi cần và, húp vì đã có muỗng. Thậm chí có cả nĩa để đâm vào miếng giò heo nữa. Thế mà cô tôi thất vọng cho rằng chẳng giống bún bò Huế mới oan nghiệt chứ! Hôm sau, chúng tôi lại đi tìm ăn bún bò Huế nữa. Lần này chúng tôi lại tìm đến một tiệm bún bò Huế sau lưng chợ Tân Định, cũng do người Huế nấu nhưng cô tôi cũng lắc đầu. Một tiệm bún bò Huế ở gần chợ Tân Bình có tiếng, người ăn đông quá chừng. Nhưng cô tôi cũng thất vọng, buồn lòng. Tôi quyết dẫn cô tôi đi thật xa về quận Tân Phú để may ra tìm một quán bún bò Huế có vẻ dân dã một chút cho giống cái món bún bò Huế trong lòng cô tôi. Nhưng khi chủ quán vừa bưng tô bún ra thì cô tôi đã thốt lên: “Răng lạ rứa! Đã bún bò giò heo thì phải có thịt bò giò heo mà răng lại từng lát thịt heo luột như rứa!”. Chủ quán xổ ra một tràng giọng Quảng: “Lạ, lạ chi mà lạ hè! Bún bò Huế như rứa chứ reng lạ! Bà ăn bún bò Huế chưa nà? Tui bán bún bò Huế mụ Rớt bao nhiêu năm rồi đó nghe!”. Đúng như cô tôi nói, tôi ăn mà tưởng chừng như mùi vị của hủ tíu. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều mà trước đây khi tôi bắt gặp đâu đó trên đường phố Sài Gòn treo biển bán bún bò Huế mụ Rớt thì tôi nghĩ đơn giản là do mụ Rớt đã vào Sài Gòn ở rồi mở tiệm bán bún bò Huế mà thôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu, hóa ra chỉ một gánh bún bán rong như thế mà trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở đâu cũng biết.


    Nỗi buồn của cô tôi không ăn được một tô bún bò Huế giống như xưa lan tỏa đến cả vợ con tôi. Vợ tôi cho rằng, sở dĩ không giống là vì không có món ruốc chính gốc Huế để nêm vào nồi nước dùng. Bún bò Huế phải nêm bằng ruốc Huế là chính chứ không phải nhờ vào bột ngọt. Nhưng cô tôi cho rằng, chuyến trước về Huế cô đã đi ăn khắp thành phố mà cũng chẳng thấy giống như xưa. Bó tay! Nhưng vợ tôi thì không bó tay, bởi cô ấy cũng thường nấu bún bò Huế cho cả nhà ăn. Cô ấy tin chắc vào món ruốc mà mình gởi mua từ Huế vào. Còn tôi thì quyết định tái hiện lại khung cảnh nấu bún bò Huế trong nhà với nồi bầu, vá múc, thúng, mẹt…và chỉ ăn bún bằng cách và, húp thôi. 


    Vợ tôi đang hầm cho mềm thịt trên bếp ga nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Và tôi chợt nhớ ra làn khói bay bay từ củi lửa dưới nồi bún của mụ Rớt. Thế là tôi phóng xe đi tìm mua một bếp lò và một bó củi.

    Khi vợ tôi bưng đến cho cô tôi một tô bún, chưa kịp ăn mà bỗng dưng cô tôi rơm rớm nước mắt. Còn tôi thì cũng đã nhận ra hương vị đặc trưng bún bò Huế của mụ Rớt ngày xưa. Chính cái mùi khói củi hòa lẫn với mùi vị bún bò Huế tạo nên một hương vị đặc biệt khó tả của bún bò Huế mụ Rớt và đồng thời cũng khiến cho cô tôi nhớ lại niềm hạnh phúc đầm ấm của gia đình mình năm xưa.
     

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét